Sau rất nhiều bê bối, biến cố ở tòa nhà cao nhất Việt Nam 72 tầng Landmark 72, câu chuyện xung quanh tòa nhà này lại rộ lên những ngày gần đây khi có thông tin tòa tháp được bán cho chủ mới.
Truyền thông Việt Nam dẫn nguồn tin từ tờ Thời báo Kinh tế Hankyung của Hàn Quốc, cho biết AON Holdings được ưu tiên lựa chọn mua lại khoản nợ của dự án này do Keangnam Vina (thuộc tập đoàn Keangnam Enterprises) là chủ đầu tư.
Theo nguồn tin này, Keangnam Enterprises được cho là đã vay nợ của 5 ngân hàng Hàn Quốc khoảng 600 tỉ Won-tương đương 510 triệu USD để xây dựng dự án. AON Holdings được cho là đã trả khoảng 450 tỉ won (tương đương 380 triệu USD) để mua lại khoản nợ này. Sau khi tiếp quản và xử lý các khoản nợ, AON Holdings sẽ nắm quyền kiểm soát toà nhà cao nhất Việt Nam”.
Thông tin về chủ mới tòa Landmark 72 được đăng trên Thời báo kinh tế Hankyung (Hàn Quốc)
Với thông tin từ báo chí Hàn Quốc, gần đây đã xuất hiện khá nhiều thông tin về việc bán tòa tháp cao nhất Việt Nam này, nhưng đến nay thông tin chính thức vẫn chưa được chủ dự án công bố.
Công ty mẹ là Tập đoàn Keangnam Enterprises từng thuộc nhóm những công ty xây dựng hàng đầu Hàn Quốc thì nay đế chế này gần như đã suy tàn khi dính nghi án bê bối vì được cho là lập quỹ đen, hối lộ quan chức, gian lận kế toán…khiến ông chủ tịch cũng đã tự tử hồi tháng 4/2015. Cổ phiếu của Keangnam liên tục lao dốc khiến nhiều chủ nợ, ngân hàng bị thua lỗ hàng chục tỉ won vì phải bán tháo cổ phiếu.
Ở Việt Nam, Keangnam Vina là chủ đầu tư tòa tháp, khởi công xây dựng đúng giai đoạn thị trường bất động sản “nóng” 2007-2010, toàn bộ 928 hộ cao cấp tại 2 tháp 50 tầng đã được tiêu thụ hết, với giá dao động từ 2700-3000 USD/m2.
Tuy nhiên, khi đưa vào khai thác tòa Landmark 72 Keangnam Vina lại không gặp may khi dính đúng giai đoạn thị trường khủng khoảng. Trong khi số vốn để đầu tư xây dựng tổ hợp công trình này lên tới 1,05 tỉ USD.
Landmark 72 là tòa tháp tổ hợp văn phòng, khách sạn, căn hộ dịch vụ và trung tâm thương mại. Trong đó, phần lớn là diện tích văn phòng (tầng 12 -46) với tổng diện tích mặt sàn lên tới 95.000m2. Để có thể thu hút được khách thuê, Keangnam đã phải hạ giá thuê vào giai đoạn khủng hoảng chỉ còn khoảng 15-20 USD/m2/tháng (chưa có phí dịch vụ), một số nguồn tin cho rằng một số tập đoàn thuê diện tích lớn còn có giá thuê thấp hơn. Do giá thuê thấp nên họ hiệu quả chưa cao.
Với phần khách sạn (từ tầng 62 đến tầng 70) có tổng số 359 phòng đến nay vẫn chưa mở cửa dù tòa nhà đã hoạt động 4 năm, đồng nghĩa với việc doanh thu mảng khách sạn chưa có. Mặc dù khi hoạt động, chủ dự án đã quảng bá khách sạn mang tên Intercontinental, tuy nhiên, gặp trục trắc với đơn vị quản lý nên việc khai trương khách sạn đã trì hoãn tới giờ, nhưng, nay một số nguồn tin tiết lộ khách sạn này sẽ sớm mở cửa do chủ đầu tư đã bắt tay lại với đơn vị quản lý.
Khu trung tâm thương mại 35.600m2 cũng gặp không ít khó khăn, và gần đây toàn bộ 6 tầng mà Parkson thuê lại (hồi 2011) đã đóng cửa từ hồi đầu năm đến nay chưa mở lại, do hoạt động kinh doanh èo uột, không đạt doanh thu như kế hoạch đề ra.
Với khó khăn trên, hoạt động kinh doanh của Keangnam tại Việt Nam khá bết bát. Những chỉ số tài chính của Keangnam Vina cho thấy công ty này lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, kinh doanh thua lỗ. Qua tìm hiểu của chúng tôi được biết, năm 2014 công ty lỗ tới 1.280 tỉ đồng, do áp lực nợ vay quá lớn, con số nợ phải trả ước chừng 13.544 tỉ đồng.
Điều này do chi phí liên quan đến lãi vay và chi phí tài chính quá lớn, riêng năm 2014 lần lượt là trên 1.076 tỉ đồng và 1.438 tỉ đồng, nên không thể bù đắp được cho hoạt động kinh doanh với doanh thu chỉ đạt khoảng 812 tỉ đồng.
Nợ nần đầm đìa, kinh doanh bết bát khiến Keangnam Vina lâm vào cảnh lỗ lũy kế tới 3.591 tỉ đồng, và phải đối mặt với tình trạng âm vốn chủ sở hữu 581 tỉ đồng. Với việc liên tục thua lỗ, Keangnam Vina đã nhiều lần bị nghi ngờ có hành vi chuyển giá.
Gia Bảo
Theo Trí thức trẻ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét