Tính đến tháng 12/2015 ngành hàng không dân dụng Việt Nam quản lý 22 cảng hàng không. Trong 21 cảng hàng không hiện đang khai thác, có 9 cảng hàng không quốc tế gồm: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ, Phú Bài, Cát Bi, Vinh.
Hệ thống cảng hàng không, sân bay hiện nay có tổng công suất thiết kế là 68 triệu lượt hành khách/năm, 1,4 triệu tấn hàng hóa/năm. Năm 2015, hành khách qua cảng hàng không đạt 62,2 triệu lượt, tăng bình quân giai đoạn 2010-2015 là 14,5%/năm; hàng hoá đạt 940.000 tấn, tăng bình quân 10%/năm; cất hạ cánh đạt 440.000 lần chuyến, tăng bình quân 12,5%/năm.
Tuy nhiên, theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), hiện nay hạ tầng đang không bắt kịp với nhu cầu tăng trưởng nóng của hàng không Việt Nam. Một số cảng hàng không đang chạm ngưỡng quá tải như sân bay Đà Nẵng, Phù Cát, Cam Ranh… đặc biệt là tình trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất đang khiến cơ quan quản lý đau đầu.
Bấy lâu nay, việc sân bay Tân Sơn Nhất rơi vào tình trạng quá tải, tắc nghẽn từ mặt đất tới trên trời, không những khiến các hãng hàng không vất vả trong khai thác mà việc điều hành không lưu cũng khó khăn là điều mà ai cũng biết.
Hiện nay nhiều máy bay không thể hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất do thiếu điểm đỗ. Sân bay Tân Sơn Nhất theo quy hoạch lượng khách khai thác tối đa là 25 triệu lượt/năm nhưng trong năm 2015 lượng khách đã đạt tới 26 triệu lượt.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cũng nêu thực tế, nếu các sân bay có chỗ đỗ rộng rãi thì các hãng hàng không có nhu cầu, cứ đăng ký là được duyệt nhưng hiện cơ quan quản lý phải tham gia vào quá trình điều tiết sân đỗ tàu bay của 3 hãng hàng không nội địa, đồng thời cho phép 3 hãng “biến” 4 sân bay thành sân bay “căn cứ” gồm Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Cam Ranh.
20 ha đất và tầm nhìn dài hạn
Trước tình hình này của Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Quốc phòng bàn giao 9 ha đất quân sự để mở rộng đường lăn, sân đỗ cho máy bay, và đã nhận được 20 ha
Ông Lại Xuân Thanh nhìn nhận, việc Bộ Quốc phòng quyết định bàn giao 20 ha đất cho hàng không dân dụng sẽ cơ bản giải quyết được nhiều vấn đề trước mắt của sân bay Tân Sơn Nhất.
Cụ thể như, tạo thêm sân đỗ cho tàu bay, nhất là tàu bay qua đêm và đặc biệt, tăng năng lực khai thác hàng ngày của sân bay Tân Sơn Nhất; mở rộng thêm đường lăn hiện đang bị thắt nút, tăng năng lực điều hành bay. Song đây chỉ là những giải pháp tình thế trước khi đưa sân bay Long Thành vào khai thác.
Hiện, Cục Hàng không Việt Nam đang trình Bộ GTVT kiến nghị quy hoạch cụ thể việc sử dụng 20 ha đất mà Bộ Quốc phòng vừa đồng ý bàn giao, trong đó có hình thức đầu tư xây dựng hạ tầng, nguồn vốn....
Trước đó, tại buổi họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương diễn ra vào ngày 28/12/2015 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết: “Kinh tế là trung tâm của đất nước, các bộ ngành phải xoay quanh mục tiêu đó mà tự chủ động để sắp xếp, phát triển. Bộ Quốc phòng cũng thống nhất quan điểm là phải vì sự phát triển chung của đất nước để hỗ trợ nhường đất quân sự cho Tân Sơn Nhất”.
Cùng với sân bay Tân Sơn Nhất, Cục Hàng không Việt Nam đang khẩn trương thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông ngành hàng không giai đoạn đến 2020 và định hướng 2030 để tăng cường năng lực hệ thống sân bay nhằm đáp ứng nhu cầu hạ tầng hàng không tăng trưởng cao trong thời gian tới.
Theo Phan Trang
Chính Phủ
Chính Phủ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét